
Tuyệt chiêu giao tiếp nơi công sở giúp anh em ghi điểm trong mắt đồng nghiệp
Là dân công sở chính hiệu, tôi cá là thời gian anh em gặp và tương tác với đồng nghiệp còn nhiều hơn cả thời gian bên cạnh gia đình, bạn bè. Vậy làm thế nào để giao tiếp nơi công sở một cách hiệu quả để được sếp yêu, đồng nghiệp mến, sự nghiệp thuận lợi? Đọc hết bài viết này của CIZA để có câu trả lời nhé!
Tôi từng đọc qua nhiều bài viết hướng dẫn cách để tạo thiện cảm, ghi điểm trong giao tiếp với người đối diện. Theo đó, ta cần phải chỉn chu trong vẻ bề ngoài, kiên nhẫn trong khi giao tiếp, hòa đồng và thân thiện với mọi người. Thế nhưng, có vẻ những điều này sẽ dễ với chị em và những anh em có tính cách hướng ngoại hơn. Còn lại đa số anh em lại thích làm nhiều hơn nói, cũng không trau chuốt quá vẻ về ngoài. Và thông thường họ hay bị gắn mác “khó gần”. Nếu anh em cũng như thế, chỉ cần chú ý 3 nguyên tắc sau đây là sẽ có thể thay đổi được cục diện nhé!
I. Chỉ nói những điều cần nói - Tuyệt đối không nói xấu đồng nghiệp khi giao tiếp nơi công sở
Người xưa có câu, dù là thánh thần cũng không tránh khỏi có những sai lầm. Và anh em chúng ta cũng vậy. Dù có trầm tính, có ít nói, có bật chế độ “không chấp nhặt” đến mấy cũng sẽ có những khoảnh khắc ức chế, nóng nảy do xung đột nơi công sở… Tuy nhiên, tất cả đều có thể cải thiện, và sẽ có nhiều hơn 1 lý do để có thể hàn gắn những xung đột không đáng có. Thế nhưng riêng việc nói xấu hoặc lan truyền những thông tin chưa xác thực về đồng nghiệp thì gần như không thể biện minh.
Việc nói xấu 1 ai đó sẽ khiến anh em đánh mất sự tin cậy, bớt “tín” hơn, thậm chí trở thành con người “lèm bèm”, xấu tính. Đây là một trong những điều gần như cấm kỵ nếu muốn giao tiếp thông minh. Dù thích hay không thích một ai đó, anh em tuyệt đối không nên kéo phe phái nói xấu, tẩy chay hội đồng. Nhiều trường hợp, người đối diện có thể sẽ có suy nghĩ kiểu “Cùng là đồng nghiệp với nhau, ông nói xấu người này với tôi được thì chắc gì sẽ không nói xấu tôi với người khác…”. Tất nhiên chẳng ai thể hiện ra mặt, nhưng chỉ cần họ có suy nghĩ đó thì hình ảnh bạn trong đầu họ đã thuộc dạng “chẳng tốt đẹp gì rồi”…
Tựu chung lại, hãy rèn cho bản thân thói quen nói đúng, nói đủ những điều cần thiết, tán gẫu ở mức vừa phải, duy trì và tuyệt đối không kể xấu, nói xấu, lan truyền những thông tin không tích cực và chưa xác thực về đồng nghiệp. Đừng để bản thân bị gắn mác người thích thị phi, thiếu chuyên nghiệp. Nếu có thể, hãy góp ý thẳng thắn những điểm chưa tốt của đồng nghiệp trực tiếp với họ trên tinh thần tích cực, để họ thay đổi tốt đẹp hơn.

II. Giao tiếp nơi công sở: muốn nhận được gì - hãy trao đi những điều tương tự
Ai cũng muốn được yêu quý, được xem trọng, tôn trọng và đối xử thật tốt. Thế nhưng đa phần mọi người đều chỉ dừng ở việc “muốn” chứ ít ai giải được ý “làm thế nào”. Có một câu nói khá nổi tiếng về thuật đắc nhân tâm tôi không nhớ đã đọc ở đâu, nội dung thế này:
“Hãy đặt mình vào vị trí của người khác và đối xử trên sự mong đợi”
Chúng ta không thể kỳ vọng nhận những thứ tốt đẹp mà không chấp nhận cho đi những điều tương tự, thậm chí hơn. Muốn được tôn trọng, trước hết hãy biết tôn trọng người khác. Làm tốt nhiệm vụ của bản thân để không ảnh hưởng đến tiến độ chung, đến công việc của người khác cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng họ. Muốn được yêu quý, được giúp đỡ nhiệt tình trước hết hãy cho đi sự nhiệt tình.
Thay vì thờ ơ trước khó khăn của người khác, hãy mở lời xem họ có cần sự giúp đỡ. Có thể anh em chẳng giúp được gì nhiều cho người ta, nhưng chỉ 1 câu gợi mở, thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ cũng sẽ giúp đồng nghiệp ấn tượng tốt với bạn. Rằng khi họ gặp vấn đề, đã có người chìa tay muốn giúp họ. Chỉ cần thế thôi, chắc chắn quan hệ của bạn và đồng nghiệp sẽ tốt lên rõ rệt.

Ngược lại, khi anh em cau có, tỏ ra khó chịu, không hài lòng hoặc lạnh với đồng nghiệp, thứ anh em nhận lại cũng chỉ có thế. Ai cũng có vấn đề của riêng mình, nhưng người thông minh và khéo léo sẽ biết cách dung hòa, tiết chế và không để cảm xúc ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Vậy nên đừng để những cảm xúc tiêu cực lấn át lý trí anh em nhé!
III. Giao tiếp nơi công sở: Không cần khen nhiều - nhưng hãy khen đúng!
Khen ngợi, động viên điểm mạnh và thành công của người khác là điều rất nên làm trong môi trường công sở. Bởi con người ai chẳng thích được khen, được công nhận. Thế nhưng thực sự ranh giới giữa “khen thật lòng” và “nịnh đầm”, “thảo mai”, “khen xã giao” nó mong manh vô cùng. Bởi vậy đã khen là phải khen chuẩn, đúng người, đúng thời điểm và đặc biệt là phải chân thành anh em ạ.
Khen đúng và chân thành ngoài khiến người nhận cảm thấy vui vẻ, tích cực còn thể hiện anh em là một người tinh tế, có thể nhìn thấy điểm ít ai thấy được. Ví dụ như tổng thể gương mặt người đối diện vốn không hài hòa, bản thân họ cũng nhận thức được vấn đề đó, nếu anh em khen họ xinh/đẹp thì họ sẽ cảm nhận được ngay sự “dối lòng”. Ngược lại, khi nói chuyện, bạn để ý kỹ thấy đôi mắt biết cười, hoặc giọng nói dễ thương… đây mới thực sự là những điểm bạn nên dành lời khen.
Trong công việc cũng vậy, có thể đồng nghiệp làm việc chưa tốt, làm chậm vì chuyên môn chưa vững, đổi lại họ rất chăm chỉ, “cần cù bù khả năng”, thì đây là điểm anh em có thể dùng nếu muốn bày tỏ sự công nhận, khen ngợi dành cho họ… Nhớ được nguyên tắc này chắc chắn sẽ giúp anh em ghi điểm trong mắt đồng nghiệp.

Trên đây là 3 tuyệt chiêu giao tiếp nơi công sở mà CIZA thấy anh em nên đặc biệt lưu ý. Hi vọng sẽ hữu ích và giúp anh em có những mối quan hệ nơi công sở thật chất lượng, đúng tiêu chí “sếp yêu, đồng nghiệp mến, sự nghiệp thuận lợi”!
Trả lời